Đến Bắc Ninh nghe quan họ, ăn đặc sản ngon nổi tiếng
Nội dung bài viết
Đến Bắc Ninh, bạn không chỉ thưởng thức sự đặc sắc về văn hóa, lịch sử, con người nơi đây, mà bạn nhất định phải tìm thử những đặc sản ngon ở Bắc Ninh, vùng đất tâm linh nổi tiếng
Top 5 địa điểm tham quan hấp dẫn tại Bắc Ninh
Các ngôi đền, chùa nổi tiếng tại Bắc Ninh
1.Bánh phu thê Đình Bảng
Từ hình dáng bánh cho đến tên gọi, không chỉ mang ý nghĩa gắn kết trong hôn nhân, mà đây còn là đặc sản hàng đầu mỗi khi nhắc đến Đình Bảng-Bắc Ninh.
Bánh được gói bằng những tấm lá dong xanh, sau đó luộc lên, bánh phu thê khi ăn ta sẽ thấy độ dẻo của nếp, độ giòn của đu đủ, độ ngậy của đỗ xanh, vị béo của cùi dừa, vị bùi của hạt sen, vị ngọt của đường…, tất cả hòa quyện vào nhau làm thành hương vị rất riêng.
Nhân bánh hình tròn nằm trong vỏ bánh bẻ khuôn hình vuông bằng lá dừa, như biểu tượng vuông tròn của triết lý cân bằng âm dương trong dân gian.
2. Nem Bùi Ninh Xá
Thương hiệu nem Bùi Ninh Xá được liệt kê vào đặc sản ngon nức lòng ở Bắc Ninh, thật thú vị khi trong những ngày hè oi bức có được đôi ba cốc bia ngồi nhâm nhi với chiếc nem Bùi thơm ngon, ăn cùng lá sung, lá đinh lăng chấm tương ớt.
Để làm nem phải lấy nguyên phần hông của lợn. Phần thịt nạc và thịt mỡ để sống, chỉ riêng phần bì là luộc chín rồi thái nhỏ tất cả, nêm gia vị tỏi ớt, bột ngọt trộn đều với thính nóng, sau đó để chín thịt, tiếp đến nắm chặt nem thành quả nhỏ bọc trong lá chuối. Tất cả do bàn tay khéo léo của đầu bếp, và luôn phải tuân thủ đúng nguyên tắc chế biến để hương vị luôn được giữ đúng nhất.
3. Bánh Khúc làng Diềm
Đến làng Diềm (Làng Diềm là tên gọi nôm của thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh ) du khách không chỉ được lắng nghe những câu quan họ mượt mà của các liền anh, liền chị mà còn được thưởng thức chiếc bánh khúc xanh thơm, thắm đượm hồn quê dân dã. Nhưng không chỉ có vậy, những ai có dịp đến đây, tất thảy đều không thể quên được món bánh khúc bình dị, thảo thơm của vùng quê Kinh Bắc. Bánh khúc làng Diềm không biết xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết trong những ngày lễ tết, hội hè, rằm hay mùng một, bánh mới được làm để mời họ hàng, quan khách.
Bánh khúc làng Diềm có hai loại: nhân hành và nhân đỗ. Bánh khúc nhân đỗ có vị bùi của đỗ, vị ngậy của thịt mỡ và thơm của hạt tiêu. Bánh khúc nhân hành có khác hơn đôi chút. Hành được dùng làm nhân bánh khúc nhất thiết phải là hành khô, cộng thêm mộc nhĩ, hạt tiêu, rau răm, thịt ba chỉ băm nhỏ trộn lẫn với nhau.
4. Bánh tro Đình Tổ
Bánh tro Đình Tổ được làm từ gạo nếp, nước tro, một ít vôi, bánh được gói bằng lá chuối hoặc lá dong và mật mía. Để có được nước tro trong, có mùi thơm nhẹ người ta dùng rơm nếp đốt lấy tro, rồi đổ tro vào chậu, hòa với nước vôi để lắng nước trong, sau đó chắc lấy nước trong, bỏ cặn. Gạo nếp được vo sạch, ngâm trong vòng từ 3-4 giờ, rồi vớt ra, để ráo nước. Lá chuối hoặc lá dong được rửa sạch, hấp chín mềm, rồi lau khô, sau đó dùng để gói bánh.
Bánh tro Đình Tổ mềm, có vị thanh mát, ngọt ngào. Một lần được thưởng thức thứ quà quê dân dã này sẽ khiến bạn luôn nhớ mãi dư vị của nó.
5. Bánh tẻ làng Chờ
Các hội hè, đám tiệc ở vùng Yên Phong hay lân cận, đều có mặt bánh tẻ làng Chờ. Bánh tẻ ăn lúc còn nóng mới ngon. Mâm cỗ ngày tết sau khi nhâm nhi chén rượu, mới bóc bánh ra, dùng con dao bài cắt bánh bày lên đĩa, lúc bấy giờ mọi người cùng thưởng thức. Bánh tẻ làng Chờ dẻo chứ không nhão, nát như thứ bánh giò mà bạn thường thấy, vừa có độ giòn lại vừa có vị đậm, vị béo của nhân, nồng nàn của mùi lá, không thể lẫn vào thứ bánh tẻ nào khác được.
6. Tương Đình Tổ
Ngoài Bánh tro Đình Tổ, thì nghề làm tương ở làng Đình Tổ cũng có từ lâu đời, nguyên liệu để làm tương bao gồm ngô, đỗ tương, gạo nếp cái hoa vàng. Tất cả được ủ và lên men tự nhiên không sử dụng bất cứ hóa chất nào. Để có mẻ tương ngon người chế biến phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ.
Đầu tiên phải chọn ngô đỏ, hạt mẩy, căng, đỗ tương và gạo nếp cũng phải chọn loại hảo hạng nhất, hạt to, chắc đều. Ngô sau khi được phơi khô sẽ được đồ chín rồi ủ lên men. Đỗ tương rang chín cho vào chum sành, đổ nước cho ngập và ngâm. Trong quá trình ngâm, ủ người ta phải thường xuyên kiểm tra, khuấy đều, vớt bỏ bọt để tương có độ sánh, mịn đạt tiêu chuẩn.
Một mẻ tương được ra lò phải được ngâm ủ trong vòng 15 ngày, sau đó mới đem xay tạo thành tương thành phẩm. Tương Đình Tổ có màu đỏ nâu, đặc sánh, mùi thơm, vị ngọt bùi, béo ngậy của gạo nếp, ngô. Đây là đặc sản rất giàu dinh dưỡng được dùng để làm nước chấm rau luộc, thịt luộc, cá nướng, bánh đúc, bánh tẻ, kho cá, kho thịt và chấm bún.
7. Cháo Thái Đình Tổ
Cháo thái Đình Tổ được chế biến không quá cầu kỳ, gạo được xay nhuyễn, được nhào thành cục to. Nước nấu cháo được hầm từ xương, thịt gà, thịt lợn. Khi nước dùng sôi, người ta dùng dao mỏng thái từng miếng bột cho vào nồi cháo. Cháo chín cho thêm hành hoa, tiêu xay, nêm nếm gia vị vừa ăn bắc xuống là dùng được.
8. Rượu làng Vân
Rượu làng Vân không thể thiếu vào các dịp lễ hội, tết hay làm quà biếu ở Bắc Ninh. Rượu được nấu bằng thứ gạo nếp thơm ngon, ngoài ra còn làm bằng sắn khô hoặc tươi, cộng thêm men gia truyền là 35 vị thuốc bắc quý hiếm và nghệ thuật ngâm ủ tài tình của người dân nơi đây. Rượu uống êm, vị đậm, uống xong có cảm giác lâm li hương vị đặc biệt trong họng và không đau đầu. Khi cầm chai rượu lắc mạnh, ngay lập tức có rất nhiều bọt tăm li ti nổi lên rồi tan dần như pháo hoa. Tất cả tạo nên nét riêng có của loại rượu mang thương hiệu làng Vân vốn tồn tại từ hàng chục thế kỷ qua, được mọi người trong và ngoài nước biết đến.