Bộ kiến nghị 4 nhóm giải pháp 'cứu' ngành du lịch
Nội dung bài viết
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị sáng 28-11 - Ảnh: B.D.
Cú sốc từ đại dịch cản đà tăng trưởng ngành du lịch
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (Bộ VH-TT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện cho biết ngành du lịch Việt Nam giai đoạn 2015-2019 đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc.
Khách quốc tế đến Việt Nam từ 7,9 triệu lên 18 triệu, bình quân tăng trưởng 22,7% mỗi năm. Khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt với tốc độ 10,5% một năm. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được xếp hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019 (tăng 12 bậc so với năm 2015).
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng ngành du lịch đang đóng góp ngày càng lớn cho tăng trưởng chung, lan tỏa tới nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề khiến doanh nghiệp lao đao, các điểm đến vắng khách hẳn, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc.
Thống kê cho thấy lượng khách du lịch nội địa giảm đến 45%, thiệt hại tới 23 tỉ USD, thời điểm giảm bắt đầu từ tháng 3-2020. Thời gian qua, cả nước vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, ngành du lịch cũng chứng kiến giai đoạn cầm cự đầy kiên cường trong bộn bề khó khăn.
Các gian hàng tại chợ phiên du lịch trong khuôn khổ hội nghị toàn quốc về du lịch - Ảnh: B.D.
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, sau khi thực hiện chủ trương kích cầu du lịch, từ tháng 6-2020 lượng người đi du lịch đã tăng trở lại.
Tháng 6-2020, khách nội địa đã tăng 1,5 - 3 lần so với một tháng trước đó từ lan tỏa của các chương trình kích cầu. Nhiều địa phương, các trung tâm du lịch đã xích lại gần nhau và áp dụng mạnh các chương trình khuyến mãi để kích thích người dân đi du lịch.
Chính phủ phủ, bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp cùng "giải cứu"
Từ thực tế đầy khó khăn thời gian quan, ông Hùng cho biết Bộ VH-TT&DL đã đề xuất bốn nhóm giải pháp gửi Chính phủ nhằm phục hồi ngành du lịch, gồm: cơ cấu lại thị trường, phát triển sản phẩm, hợp tác công tư liên kết vùng và cuối cùng là áp dụng chuyển đổi số.
Ông Hùng cũng cho rằng để giữ đà lạc quan, thời gian tới ngành du lịch cần tập trung khai thác thị trường nội địa, xây dựng các sản phẩm phù hợp hướng đến du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch thân thiện với môi trường. Địa phương lẫn các điểm đến cũng cần nắm bắt và thích ứng nhu cầu của thị trường, chủ động tình hình để điều chỉnh các chính sách phù hợp.
"Chính phủ cần có chính sách kịp thời để hỗ trợ khẩn cấp cho ngành du lịch, tăng cường đầu tư mạnh vào hạ tầng như sân bay, cảng biển; giao cho Bộ VH-TT&DL xây dựng chiến lược phục hồi ngành du lịch, hướng đến năm 2030; tích cực quảng bá truyền thông và đầu tư nhân lực cho ngành du lịch.
Các địa phương cũng cần bám sát các doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho du khách để tạo môi trường an toàn tại các điểm đến" - ông Hùng nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Phan Việt Cường cho biết trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, Quảng Nam và các địa phương miền Trung đã liên hệ với nhau thường xuyên để tăng cường kích cầu, ngoài các gói địa phương riêng lẻ thì các gói mang tính vùng cũng được áp dụng để làm ấm lại các điểm đến.
Với những khó khăn trước mắt, bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp, các bộ ngành thì các chính sách đúng liều từ Chính phủ cũng cần được triển khai sớm. Các tỉnh miền Trung sẽ bám sát nhau để liên kết cùng làm du lịch trong bối cảnh mới.
(Nguồn: dulich.tuoitre.vn)